Để hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi tạo việc làm, tăng năng suất, tăng giá trị thu nhập từ sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận các phương thức chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, nâng cao hiệu quả trong sản xuất, qua đó góp phần xóa đói giảm nghèo cải thiện đời sống, tạo việc làm tăng thu nhập cho người dân, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai mô hình “Nuôi gà an toàn bằng đệm lót sinh học” cho hội viên nông dân trong toàn tỉnh.
Mô hình nuôi gà sử dụng đệm lót sinh học
Với mục đích hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế gia đình và hạn chế tái nghèo, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho người dân, Bắt đầu từ năm 2018, Để tạo điều kiện cho hội viên nông dân chăn nuôi gia cầm đảm bảo vệ sinh môi trường, sức khỏe và sản xuất ra thực phẩm sạch an toàn. Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp&PTNT tổ chức hội nghị tập huấn kỹ thuật “ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn, gia cầm cho cán bộ hội viên nông dân” cho 32 chi hội trưởng và 25 hội hội viên, nông dân tham gia thực hiện dự án “ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn, gia cầm cho cán bộ hội viên nông dân” trên địa bàn phường Mường Thanh thành phố Điện Biên phủ. Nội dung tập huấn tập chung vào các vấn đề sát với thực tế như: những ưu điểm khi chăn nuôi bằng đệm lót sinh học và hướng dẫn quy trình kỹ thuật về chuồng trại, cách sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn, gà, cũng như cách quản lý và bảo dưỡng đệm lót, để hội viên nông dân áp dụng vào thực tế sản xuất, hội viên nông dân được hướng dẫn cách ủ men, cách dung các nguyên liệu để làm đệm lót, việc sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi giúp giảm công dọn chuồng, giảm đáng kể mùi hôi, cải thiện được môi trường cho hộ chăn nuôi và cộng đồng, gà được sống trên nền đệm lót khỏe hơn, giảm bệnh tật và chất lượng thịt sẽ ngon hơn. Sau 4 tháng triển khai mô hình đã cho hiệu quả rõ rệt, đạt yêu cầu kỹ thuật đề ra và được triển khai nhân rộng ra toàn thành phố.
Sau thành công tại Thành phố Điện Biên Phủ việc “ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn, gia cầm cho cán bộ hội viên nông dân” được phổ biến và nhân rộng ra toàn tỉnh, tại huyện Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Nhé cũng có nhiều hộ tham gia thực hiện mô hình. Các hộ tham gia thực hiện mô hình đều được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gà, bà con đã nắm chắc quy trình kỹ thuật và áp dụng tốt vào xây dựng chuồng trại, chăm sóc nuôi dưỡng cũng như việc sử dụng các loại thuốc thú y phòng trị một số bệnh có hiệu quả.
Giai đoạn gà từ 2 - 4 tuần tuổi, sau khi tập huấn xong với sự giám sát của cán bộ chỉ đạo kỹ thuật, hầu hết các hộ tham gia mô hình đã chấp hành nghiêm chỉnh khâu chuẩn bị chuồng trại đảm bảo vệ sinh và nhiệt độ úm, chăm sóc nuôi dưỡng theo yêu cầu kỹ thuật. Giai đoạn này trọng lượng gà đạt từ 0,4 – 0,5 kg/con, tỷ lệ gà sống thời điểm này là 97%. Đến giai đoạn từ 4 - 6 tuần tuổi qua kiểm tra trọng lượng gà đạt từ 1– 1,5 kg/con. Tỷ lệ gà sống thời điểm này là 92%, vì điều kiện thời tiết chuyển biến phức tạp do khí hậu chuyển mùa, sáng sớm với đêm lạnh, nhiều sương, ban ngày nắng nóng, gà bị nhiễm một số bệnh tiêu chảy và viêm đường hô hấp mãn tính...
Kết thúc thời gian chăn nuôi 3,5 tháng gà sinh trưởng và phát triển tốt và qua kiểm tra cân gà của 1 số hộ đạt trọng lượng trung bình từ 2,4 kg/con, có con đạt 3,2 kg. Theo đánh giá sơ bộ cho thấy, trừ chi phí mỗi con gà cũng cho lãi trên dưới 100 nghìn đồng và quan trọng hơn là người dân có thêm được kiến thức về chăn nuôi gà. Từ mô hình chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi này, sẽ là cơ sở để người dân mở rộng mô hình nuôi gà, tạo thêm việc làm, tăng thêm thu nhập và nâng cao mức sống cho người dân.
Bà Phan Thị Hoa Phó ban Kinh tế - xã hội Hội Nông dân tỉnh cho biết: Mô hình nuôi gà an toàn bằng đệm lót sinh học hiện đang là mô hình đạt được hiệu quả kinh tế cao, các giống gà cơ bản thích nghi với điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng cũng như thời tiết, khí hậu của địa phương. Tỷ lệ sống bình quân đến khi xuất chuồng đạt 90 %, trọng lượng trung bình đạt 2,5 kg đến 3 kg/con. Thời gian tới, chúng tôi chỉ đạo các cấp tiếp tục vận động tuyên truyền bà con mở rộng mô hình và tái đầu tư đàn.
Mô hình nuôi gà an toàn bằng đệm lót sinh học bước đầu làm thay đổi nhận thức của bà con nông dân từ phương thức chăn nuôi truyền thống (chăn nuôi thả rông) chuyển sang phương thức chăn nuôi bán chăn thả, nhốt, có quản lý và cách ly mầm bệnh với vật nuôi để hạn chế dịch bệnh, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng và hạn chế được ô nhiễm môi trường.
Tuyết Anh