Thanh niên làm kinh tế giỏi với trang trại tổng hợp
Được Hội Nông dân tỉnh giới thiệu, chúng tôi tìm đến trang trại anh nông dân Phạm Anh Dũng – Đội 7, xã Thanh Yên, huyện Điện Biên. Một gương điển hình trong phong trào phát triển kinh tế gia đình đã xây dựng được mô hình kinh tế mang lại thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm.
Chim bồ câu trong trang trại anh Dũng
Là người con của quê lúa Thái Bình, sau khi Tốt nghiệp trường Cao đẳng Điện lực Sóc Sơn, Phú Thọ, trải qua nhiều năm buôn ba làm đủ mọi nghề để kiếm sống, Phạm Anh Dũng cũng đã xin được vào làm ở một cơ quan nhà nước. Công việc này có thể nói cũng là công việc mơ ước của rất nhiều người. Nhưng với hoài bão lớn cộng với ước mơ ấp ủ làm chủ trang trại từ thủa bé, Dũng đã quyết định bỏ việc để theo đuổi đam mê của mình.
Năm 2013, trên mảnh đất có sẵn của gia đình anh bắt đầu xây dựng trang trại với số vốn ít ỏi 500 triệu vay mượn ngân hàng. Nhận thấy Gấc và Đinh Lăng là 2 loại cây trồng có thể phù hợp với thổ nhưỡng ở Điện Biên lại có khả năng cho kinh tế cao, anh đã quyết định chọn 2 giống cây này làm cây trồng chủ lực cho trang trại của mình. Tuy nhiên khi Gấc bắt đầu cho thu hoạch anh nhận thấy khâu vận chuyển xuống dưới xuôi hơi vất vả vì số lượng gấc ít, lại chín không đồng loạt, qua 4 đến 5 tháng mới thu hết, anh quyết định bỏ gấc giữ lại đinh lăng. Sau đó, lại đi các tỉnh tìm hiểu về vật nuôi.
Không nản lòng, cuối năm 2015, anh Dũng tiếp tục bắt tay cải tạo lại trang trại, xây dựng theo mô hình vườn chuồng khép kín, mạnh dạn mở rộng thêm diện tích trồng cây Đinh Lăng với hơn 7.000 mét vuông, nuôi thêm bồ câu, gà, vịt, ngan, thỏ. Do chưa từng học qua một lớp thú y nào nên hễ con vật nuôi nào bị bệnh, anh mổ thêm con khỏe, tra cứu kiến thức trên mạng để tìm hiểu nguyên nhân. Bỏ qua những áp lực từ phía gia đình, cuối cùng anh đã gặt hái được thành công trên chính nông trại của mình.
Hiện tại anh Dũng đã có trong tay trang trại hơn 1,5 héc ta chăn nuôi khép kín với hệ thống tưới nước, xử lý chất thải xây dựng theo quy trình hiện đại. Hơn 1.000 đôi bồ câu nuôi, mỗi tháng cho xuất từ 700 đến 800 con; riêng thỏ xuất đều thịt trung bình cho từ 5 đến 6 tạ và khoảng 2.000 con giống mỗi tháng. Ngoài ra, mỗi năm gà, vịt nuôi thịt cũng xuất ra thị trường trung bình 12 tấn và 7.000 mét vuông Đinh Lăng cho thu hoạch đều trên 15 tấn. Tổng thu nhập trừ mọi chi phí, mỗi năm trang trại đưa về hơn 900 triệu đồng. Bên cạnh đó Dũng còn tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động với mức lương khoảng 6 triệu đồng một tháng và cung cấp tư liệu sản xuất cho nhiều hộ chăn nuôi, trồng trọt khác trên địa bàn về giống, phương pháp, kỹ thuật, góp phần xóa đói giảm nghèo cho địa phương.
Có thể khẳng định với sự kiên trì, quyết tâm, không ngại gian khổ anh Dũng đã bước đầu gặt hái được những kết quả tốt đẹp trong quá trình phát triển kinh tế, sản xuất nông nghiệp. Qua đó, khẳng định được tinh thần dám nghĩ, dám làm, ý chí vươn lên của thế hệ trẻ hôm nay.
Với những kết quả đạt được trong lao động sản xuất, năm 2016, anh Dũng vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2016”
Anh cho biết thêm: Trong thời gian tới, sẽ mở rộng diện tích nuôi trồng của mình thêm 1 héc ta nữa để trồng thêm cây dược liệu quý, nuôi những loại vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn. Đồng thời, phát triển hệ thống nuôi trồng theo mô hình nông nghiệp sạch tiêu chuẩn Vietgap, xây dựng hệ thống chuỗi hàng cùng nhau hỗ trợ phát triển nông nghiệp trong tỉnh.
Gương mẫu đi đầu làm kinh tế giỏi, tích cực tham gia các hoạt động phong trào tại địa phương, anh Phạm Anh Dũng là một tấm gương sáng cho đoàn viên, thanh niên noi theo. Từ những hiệu quả đạt được, ý chí dám nghĩ, dám làm của người nông dân Việt Nam xuất sắc, chúng ta tin rằng anh Phạm Anh Dũng có thể sớm đạt được những mục tiêu của riêng mình và hy vọng rằng, mô hình này của anh Dũng sẽ tiếp tục được nhân rộng trên toàn tỉnh./.
Nguyễn Tuyết