Bên cạnh đó, Điện Biên còn có nhiều di tích lịch sử gắn với công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc, là những tiềm năng quý để khai thác và phát triển dịch vụ du lịch của tỉnh.
Tỉnh có hệ sinh thái tự nhiên phong phú với các thắng cảnh: Hồ Pa Khoang, khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, rừng Mường Phăng; quần thể hang động được công nhận di tích cấp quốc gia, các điểm suối khoáng nóng U Va, Hua Pe huyện Điện Biên, bản Sáng huyện Tuần Giáo, lòng hồ thủy điện Sơn La, cột mốc cực Tây A Pa Chải, nơi duy nhất tiếp giáp cả 3 nước Việt - Trung - Lào...
Điện Biên có cộng đồng 19 dân tộc thiểu số cùng chung sống. Mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa đặc trưng riêng, những năm qua luôn được gìn giữ và bảo tồn, từng bước được khai thác phục vụ phát triển dịch vụ du lịch.
2. Tiềm năng về xuất nhập khẩu
Tỉnh Điện Biên có 3 cửa khẩu và 02 lối mở được hình thành” Cửa khẩu quốc tế Tây Trang, cửa khẩu quốc gia Huổi Puốc, cửa khẩu phụ Si Pa Phìn, Lối mở Nậm Đích (giáp Lào) và lối mở A Pa Chải (giáp Trung Quốc). Trong đó cửa khẩu Tây Trang và Cửa khẩu quốc gia Huổi Puốc có đủ năng lực chức năng kiểm soát hoạt động xuất khẩu hàng hóa. Cửa khẩu Tây Trang và Huổi Puốc được áp dụng chính sách khu kinh tế cửa khẩu biên giới, đàm bảo tốt cho năng lực thông quan và đáp ứng nhu cầu hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu.
Tỉnh Điện Biên có 01 chợ biên giới tại lối mở ngã ba A Pa Chải (xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé) giáp với Lào và Trung Quốc, chợ được tổ chức theo mô hình phiên chợ, hàng hóa trao đổi chủ yếu là hàng tiêu dùng, vật phẩm, nông lâm sản do nhân dân hai bên biên giới nuôi trồng, thu hái và sản xuất ra.
Hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tình tại các cửa khẩu, lối mở có mức tăng trưởng tốt, bước đầu khai thác và phát huy được các tiềm năng lợi thế của một tỉnh biên giới. Các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu có bước phát triển, xuất khẩu tăng dần hàng năm. VD: Mặt hàng xi măng do tỉnh Điện Biên sản xuất đã trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh sang thị trường các tỉnh Bắc Lào. Ngoài ra, hoạt động biên mậu, trao đổi buôn bán hàng hóa qua biên giới phát triển thông qua việc dân cư hai bên biên giới thường xuyên qua lại thăm thân, trao đổi, mua bán hàng hóa qua các cặp cửa khẩu phụ, cửa khẩu tiểu mạch, lối mòn biên giới đã từng bước thúc đẩy quan hệ mậu dịch hai bên.
3. Tiềm năng về phát triển đô thị
TP Điện Biện Phủ hiện là thành phố duy nhất ở khu vực miền núi Tây Bắc có cảng hàng không với quy mô đường cất hạ cánh dài 2.400m, rộng 45m, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật cho các loại tàu bay hiện đại như A320, A321, hệ thống đường bộ thuận tiện. Trong thời gian tới, Chính phủ và tỉnh Điện Biên sẽ triển khai nhiều dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh như: Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc, các tuyến quốc lộ 12 và quốc lộ 4D (cửa khẩu Tây Trang - thành phố Điện Biên Phủ - thị xã Mường Lay - Lào Cai) và quốc lộ 279 (thành phố Điện Biên Phủ - Tuần Giáo - đèo Pha Đin - Sơn La) kết nối với các tỉnh: Lai Châu, Lào Cai, Sơn La,.. và nhiều dự án phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ sẽ làm chuyển dịch mạnh cơ cấu dân cư, cơ cấu sử dụng đất, nâng cao chất lượng hạ tầng sẽ là một trong những nhân tố chủ đạo đẩy nhanh tốc độ đô thị hoá, tạo điều kiện thuận lợi để hình thành hệ thống đô thị, các khu dân cư tập trung trên địa bàn tỉnh, đặc biệt tại địa bàn thành phố Điện Biên Phủ và các trung tâm các huyện. Đồng thời, chỉnh trang cải tạo các đô thị cũ, hiện hữu; nhu cầu về bố trí đất ở của nhân dân, mở rộng cũng như phát triển các khu dân cư nông thôn mới trong tương lai. Mặt khác, tại các tuyến đường giao thông mới được đầu tư, xây dựng cũng có thể bố trí các khu dân cư mới cho nhân dân địa phương hoặc các hộ tái định cư trên địa bàn.
Với mục tiêu phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại II vào năm 2025, thành phố Điện Biên Phủ đã thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng như: Tập đoàn VinGroup, SunGroup, Hải Phát... đầu tư các dự án trên địa bàn, tập trung vào thương mại, dịch vụ, bất động sản... Các dự án phát triển đô thị có sự kết hợp hoàn chỉnh giữa kiến trúc hạ tầng với phát triển khuôn viên, cây xanh, tạo cho bộ mặt đô thị thành phố không chỉ khang trang, bề thế, mà còn hướng tới một đô thị văn minh, năng động và thân thiện với môi trường.
4. Tiềm năng về sản xuất nông, lâm nghiệp
Là tỉnh có tiềm năng về đất đai, với thời tiết khí hậu, thổ nhưỡng phong phú, đa dạng tạo điều kiện thuận lợi để hình thành một số vùng chuyên canh, sản xuất hàng nông sản có chất lượng; đã và đang từng bước xây dựng thương hiệu, tìm hướng phát triển ra thị trường ngoài tỉnh như: Cà phê huyện Mường Ảng; gạo cánh đồng Mường Thanh (đã đăng ký chỉ dẫn địa lý); Chè Tuyết San huyện Tủa Chùa, …. Diện tích đất chưa sử dụng còn lớn, thích hợp cho phát triển chăn nuôi gia súc và lâm nghiệp như: cây cao su, mắc ca, cọ, gỗ nguyên liệu,…Đặc biệt khu vực bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé với diện tích rừng nguyên sinh còn khá lớn với các loại động vật và thực vật còn phong phú là tài nguyên quí để bảo tồn và xây dựng hình thành vườn quốc gia tại khu vực này. Đây là những lợi thế để khai thác, phát triển nền nông nghiệp đa dạng (nông nghiệp, chăn nuôi, cây công nghiệp, trồng rừng) với chất lượng cao gắn với công nghiệp chế biến.
III. Một số kết quả về kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh trong 5 tháng đầu năm 2024
1. Lĩnh vực kinh tế
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) Quý I/2024, theo giá so sánh năm 2010 ước đạt 3.088,72 tỷ đồng, tăng 6,07% so với cùng kỳ năm trước (xếp thứ 2/8 tỉnh khu vực Tây Bắc (Phú Thọ 6,56%), xếp thứ 4/14 tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc, xếp thứ 25/63 tỉnh thành). Trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 306,55 tỷ đồng, tăng 2,74%; khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 660,08 tỷ đồng, tăng 9,66%; khu vực dịch vụ đạt 1.957,99 tỷ đồng, tăng 5,46% so với cùng kỳ năm trước; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước đạt 164,1 tỷ đồng, tăng 5,95% so với cùng kỳ năm trước.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 9,35%, giảm 0,55%; công nghiệp - xây dựng chiếm 20,05%, tăng 0,53%; dịch vụ chiếm 65,31%, tăng 0,03%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm 5,28%, giảm 0,02% (so với năm 2023).
2. Lĩnh vực Văn hoá - xã hội
Trong 05 tháng đầu năm giải quyết việc làm mới cho khoảng 3.939 lao động, đạt 46,34%/KH. Tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp cho 5.129 người, đạt 55,75% kế hoạch năm. Số người tham gia BHXH (BHXH bắt buộc và tự nguyện) đạt 50.994 người, trong đó BHXH bắt buộc là 37.777 người, đạt 84,8% kế hoạch; BHXH tự nguyện: 13.217 người, đạt 50,3% kế hoạch. Số người tham gia BHYT là 612.042 người, tăng 9.822 người so với cùng kỳ năm 2023. Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 trên địa bàn tỉnh là 25,68%, tổng số hộ nghèo là 35.922 hộ. Tỷ lệ hộ cận nghèo là 11.29%, tổng số hộ cận nghèo 15.793 hộ.