Thành phố Điện Biên Phủ có 9 xã phường với tổng số 6.200 Hội viên trong đó 7 phường với 5.483 hội viên là những “Nông dân đường phố” không có ruộng và không có nhiều đất để chăn nuôi trồng trọt, mỗi hộ gia đình chỉ có từ 100 – 300m2 đất ở. Nông dân đường phố ngoài việc phải tự tìm cho mình một việc làm để có thu nhập thường xuyên đều có một mong muốn là ngoài giờ làm việc về nhà làm thêm một việc gì đó, hoặc nuôi con gì đó để tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Bạn Thùy Linh kiểm tra sự phát triển của rau thủy canh
Để đáp ứng nguyện vọng của hội viên. Thành Hội tổ chức tuyên truyền vận động hội viên tận dụng tiềm năng đất đai dư thừa tại gia đình để chăn nuôi gà lai chọi, gà đông tảo, bên cạnh đó còn hướng dẫn hội viên nông dân trồng rau sạch trên sân thượng để có rau sinh hoạt hàng ngày. Đến thăm vườn rau của chị Nguyễn Thị Mơ bản Him Lam 1 chúng tôi không thôi kinh ngạc khi với hơn 50m2 sân thượng anh, chị thiết kế và tận dụng các loại thùng xốp, lốp ô tô đổ đất trồng rau mỗi loại trồng từ 2 đến 3 thùng, chị nói: Từ trước đến nay, mọi người đều chủ yếu dùng các phương pháp trồng rau trong các thùng xốp, xô, chậu nhựa và tận dụng các vật dụng trong gia đình để tự trồng rau sạch tại nhà. Nhưng những lần phải vác những bao đất từ tầng 1 lên sân thượng, vì sau 2-3 vụ là đất bị bạc màu phải thay đất. Điều này khiến các hộ gia đình dần thấy e ngại khi mất nhiều thời gian, công sức, bây giờ cũng với những thùng đất đó nhưng sử dụng phân bón hữu cơ sinh học thì đất không bạc màu, chất đất không thay đổi và hầu như không cần phải thay đất quanh năm có rau sạch để ăn lại tạo được không khí trong lành cho ngôi nhà, giúp cho trẻ nhỏ có thể phân biệt được các loại rau theo mùa và cũng hướng dẫn các cháu được lao động giúp gia đình khi cha mẹ vắng nhà.
Ngoại việc trồng rau sạch như gia đình chị Mơ thì trồng rau sạch thủy canh đang là một cách trồng mới được các hội viên, nông dân đường phố truyền tai nhau ngày càng rộng rãi, vì cách làm đơn giản, không mất nhiều thời gian chăm sóc, không cần nhiều diện tích nhưng vẫn có rau sạch để ăn.
Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn rau thủy canh của mình, bạn Đặng Thùy Linh tổ dân phố 2 phường Tân Thanh chia sẻ: Tận dụng sân thượng bỏ không, 2 vợ chồng Linh đã xuống Hà Nội và vào thành phố Hồ Chí Minh tham quan, học hỏi kinh nghiệm mô hình trồng rau thủy canh. Tháng 4/2017, mô hình được xây dựng, để triển khai mô hình trồng rau thủy canh hồi lưu, vợ chồng Linh đầu tư kinh phí trên 100 triệu để xây dựng nhà lưới, hệ thống giàn trồng rau thủy canh hồi lưu với 2.800 gốc, hạt giống và dinh dưỡng. Ban đầu, nhà Linh trồng thử nghiệm các giống rau có trong Đà Lạt như: xà lách xoăn, xà lách tím. Sau đó, chuyển sang trồng các loại rau có hàm lượng dinh dưỡng cao, không có ở thị trường Điện Biên như: cải xoăn Kale xanh, tím, cải bina, cải cầu vồng, cải mù tạt… để bán cho các chị, em có nhu cầu giảm cân, bà bầu, các em bé đang thời kỳ ăn dặm... Rau trồng theo phương pháp thủy canh sinh trưởng và phát triển tốt. Rau xanh mướt, đảm bảo an toàn chất lượng vì không có phân bón hóa học hay thuốc trừ sâu, mọi công đoạn đều đảm bảo an toàn. Do vậy, giá bán các loại rau này ra thị trường cao hơn so với các loại rau thông thường, với giá khoảng 50 - 60 nghìn đồng/1kg. Linh cho biết: Trồng rau thủy canh rất đơn giản, sau khi ươm hạt giống rau vài ngày trong mút xốp (hay còn gọi là giá thể), cây con được trồng đặt trong hệ thống giá đỡ. Hệ thống giá đỡ này bao gồm các ống nhựa trồng cây chuyên dụng được kết nối với nhau bảo đảm sao cho dung dịch dinh dưỡng khi bơm vào sẽ chảy dọc theo suốt chiều dài của hệ thống ống đến nuôi từng cây trước khi hồi lưu trở lại về thùng chứa thành một vòng tuần hoàn kép kín, khoảng 2 – 3 ngày kiểm tra nước lên giàu một lần, nước này được đựng trong hộp xốp (hay còn gọi là thùng chứa) đã được hòa dinh dưỡng theo tỷ lệ riêng cho từng loại cây trồng khác nhau và ở từng giai đoạn phát triển khác nhau. Thậm chí đối với nhiều hộ gia đình trồng ít rau thì một tuần họ mới lên kiểm tra nước một lần.

Vườn rau thủy canh của bạn Đặng Thùy Linh
Hệ thống trồng rau thủy canh này được thiết kế linh động, khoa học có thể áp dụng cho nhiều mô hình, không gian cũng như các quy mô từ hộ gia đình cho đến trang trại sản xuất lớn nên đã có nhiều người đã đến đây thăm quan, học tập và làm theo. Không chỉ bán rau sạch, vợ chồng Linh còn thi công lắp đặt hệ thống trồng rau thủy canh tại nhà cho các gia đình có nhu cầu hoặc bán vật liệu để họ có thể về tự lắp đặt. Đến thời điểm này, nhà Linh đã thi công lắp đặt cho hơn chục nhà với mô hình rau ăn gia đình. Từ hiệu quả thử nghiệm ban đầu, thời gian tới vợ chồng Linh dự định sẽ tận dụng 80m2 còn lại của sân thượng để trồng dưa lưới và mở một cửa hàng tiện ích tại nhà để phục vụ các bạn có nhu cầu.
Mô hình trồng rau sạch trên sân thượng và trồng rau thủy canh lưu hồi tạo ra sản phẩm rau sạch, rau an toàn là hướng đi mới trong việc phát triển nông nghiệp sạch, bền vững. Mô hình này cũng phù hợp với những gia đình ở thành phố, có thể tận dụng khoảng trống ở ban công, sân nhà để tự chủ nguồn rau an toàn phục vụ bữa ăn hằng ngày tạo được không gian xanh cho gia đình cũng như tạo thêm việc làm sau mỗi ngày lao động và tăng thêm thu nhập cho những " Nông dân đường phố"./.
Nguyễn Tuyết - HNDT