Thu nhập trên 20 triệu đồng/ tháng từ nghề làm bánh đa truyền thống

Đăng ngày 20 - 03 - 2019
100%

Dậy từ 4h sáng, làm đến tối mịt, bù lại, một hộ nông dân ở đội 6 xã Thanh Hưng huyện Điện Biên thoát cảnh nghèo, có thu nhập 20 - 25 triệu/tháng từ nghề làm bánh đa.

Chị Quên bên sản phẩm bánh đa cua gia đình

Gắn bó với nghề làm bánh đa hơn 10 năm nay, gia đình chị Hà Thị Quên thoát cảnh "bán mặt cho đất bán lưng cho trời". Chị cho biết, nông dân chỉ bám vào đồng ruộng thì không đủ ăn, chưa nói đến giàu. "May có cái nghề ông bà để lại cho cũng đủ trang trải cuộc sống và lo cho các con ăn học", chị Quên chia sẻ: Mỗi ngày 2 vợ chồng xay hơn tạ gạo, cho ra gần 90 kg bánh đa khô. Theo tính toán của chị, nếu bánh bán với giá hiện tại là 17.000 - 18.000 đồng/kg, trừ chi phí nguyên liệu, nhân công, 2 vợ chồng cũng tiết kiệm được 500 đến 700 nghìn đồng/ngày vào 4 tháng cuối năm nhiều đơn đặt hàng nên anh chị cũng phải thuê thêm người để làm. Mỗi nhân công được trả tiền theo ngày công, với giá 130.000 đồng/công.

Chị Quên kể, 2 vợ chồng đã gắn bó với nghề từ ngày mới lấy nhau lúc đầu còn tráng bánh bằng nồi, đun bếp củi. Cả ngày làm cật lực từ nửa đêm đến chiều muộn, số bánh thu về mới được khoảng 1 tạ. Năm 2010, anh chị đầu tư mua máy làm bánh theo dây chuyền tự động, gia đình bỏ vốn khoảng 40 triệu, nhưng bù lại sẽ tiết kiệm được nhiều công sức do tiến trình đẩy nhanh hơn so với làm thủ công.

Nghề làm bánh đa giúp anh chị thoát nghèo và vươn lên thành trở thành hộ khá giàu, song công việc khá vất vả. Thông thường gạo ngâm trong nước 2 tiếng sau đó say nước ép khô cho máy làm ra thành phẩm bún, bánh đa rồi để qua một đêm hôm sau mới đem rửa bánh và đem phơi. Thường ngày, 2 vợ chồng phải dậy từ 4h sáng ngâm gạo, chuẩn bị dụng cụ, xay bột để kịp xong 9h sáng, là bắt tay vào rửa bánh, và đem phơi. Thông thường anh sẽ pha bột, chỉnh nhiệt độ bếp. chị cắt bánh, sau đó chị rửa bánh và anh đem phơi. Theo chị, gạo làm bánh đa thường sử dụng là loại gạo ít nhựa, rắn thì sẽ tạo được độ dai, mùi ngậy mà không cần bất kỳ một chất hóa học nào. Sử dụng điện công nghiệp nên việc sản xuất bánh đa cũng khá tiết kiệm nguyên liệu. Chi phí cho cả dây chuyền trong một ngày hết khoảng hơn 50.000 đồng cho điện. 

Bánh đa sau khi ra lò sẽ được đặt lên phên để phơi. Ngoài tận dụng khoảng không gian của gia đình, anh chị còn phơi bánh phơi ở ven đường thôn. Người làm bánh cũng phải trực cả ngày để quan sát. Khi trời nắng rực chỉ phơi trong khoảng 3 - 4 tiếng là cất đi được. Tuy nhiên, những ngày mưa thì vất vả bội phần, chi phí tốn kém phải cho vào sấy khô, tốn công và nhiên liệu, bánh ăn không thơm ngon. Vào cuối ngày, anh mang bánh đổ cho các trường học, nhà hàng hoặc bán cho người buôn. "Bánh có độ dai nhất định, mềm tay sờ hơi ướt và có màu trắng đục là ngon. Nhưng bánh màu trắng phau thường là bánh được làm trắng hoặc gạo pha tạp", chị Quên nói. Thông thường có 3 loại, sợi nhỏ nhất là bún khô, sợi nhỏ vừa là bánh đa canh cá, sợi trung bình cho bánh đa phở khô. Người dân chọn những sợ bánh dài, mềm, đều để lên phiên đem phơi lần nữa cho khô hẳn. Bánh đa làm được nhiều món như phở, nấu canh, ăn thay mì mà không bị nóng. Hiện tại, giá trên thị trường 1kg bánh dao động 20.000 - 25.000 đồng.

 Không chỉ nổi tiếng làm bánh phở ngon, cả anh và chị đều năng nổ, nhiệt tình đối với công tác địa phương, tích cực tham gia sinh hoạt và tham gia các hoạt động của chi hội nông dân. Anh luôn chú trọng tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh giữ gìn vệ sinh đường xóm sạch sẽ, không lấn chiếm lề đường, tích cực tham gia ngày vệ sinh môi trường xanh - sạch - đẹp do chi hội Nông dân phát động ngày 14 hàng tháng.

 Chị luôn sâu sát, gần gũi, nắm rõ tình hình đời sống của bà con, hội viên trong tổ. Hễ nhà ai gặp rủi ro, hoạn nạn hoặc đau ốm nặng, anh chị đều kịp thời thăm hỏi, động viên, trường hợp gia cảnh khó khăn là anh vận động mọi người đóng góp, giúp đỡ. Có những đôi vợ chồng xảy ra chuyện “cơm không lành, canh không ngọt” đã được anh chị cung nhau khuyên nhủ, hòa giải, giúp họ vun đắp hạnh phúc gia đình. Nhiều trẻ em có nguy cơ bỏ học được anh ân cần động viên, khuyên nhủ và quyên góp hỗ trợ kịp thời để các em tiếp tục học tập. Cuối mỗi năm học, vào dịp Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6, rằm tháng tám anh chủ động phối hợp với chi hội Phụ nữ, tổ dân phố tổ chức vận động kinh phí khen thưởng học sinh giỏi và phát quà cho trẻ em, gia đình anh liên tục đạt danh hiệu gia đình văn hóa./.

bài ảnh: Nguyễn Tuyết -HNDT

Ý kiến bạn đọc

    Tin mới nhất

    VPUB - Bàn giao Hệ thống chiếu sáng cầu Mường Thanh(20/05/2024 4:01 CH)

    Trồng Thanh Long ruột đỏ lãi 200 triệu trên năm(19/12/2019 4:38 CH)

    Vươn lên thoát nghèo nhờ nuôi bò vỗ béo (30/09/2019 4:21 CH)

    Làm giàu từ nghề nuôi con “phì phì” tính hung dữ(23/08/2019 3:32 SA)

    Thu nhập trên 20 triệu đồng/ tháng từ nghề làm bánh đa truyền thống(20/03/2019 5:36 CH)

    °
    0 người đang online