Nhằm giúp hội viên, nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân tỉnh đã chú trọng hỗ trợ vay vốn, tập huấn chuyển giao kỹ thuật, đào tạo nghề. Với sự hỗ trợ tích cực của Hội Nông dân và sự nỗ lực vươn lên của mỗi người dân, nhiều trang trại, gia trại quy mô lớn theo hướng sản xuất hàng hóa được hình thành, đem lại nguồn thu nhập ổn định.
Vườn cây ăn quả của gia đình ông Đinh Bá chuẩn
Để có mô hình trồng cây ăn quả phát triển tốt như thế này, bên cạnh việc tự tìm hiểu qua sách báo, mạng, hàng năm, ông Đinh Bá Chuẩn, tổ dân phố 2, phường Noong Bua (TP. Điện Biên Phủ) còn được các cấp Hội Nông dân tạo điều kiện để được đi tham quan, học hỏi những mô hình phát triển kinh tế ở các tỉnh lân cận. Mỗi lần đi thực tế là một lần ông Chuẩn học hỏi thêm được nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật quý báu từ những nông dân khác để áp dụng vào phát triển vườn cây ăn quả của gia đình mình. Từ cách trồng, phòng trừ sâu bệnh hay bảo quản sản phẩm, ông Chuẩn đều học hỏi từ những người bạn nông dân sau nhiều lần đi thực tế. Nhờ vậy, diện tích bưởi của gia đình ông Chuẩn đều sinh trưởng tốt, cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.
Ông Chuẩn, cho biết: Được sự quan tâm của các cấp Hội Nông dân tổ chức cho một số hội viên trong tỉnh đi tham quan học hỏi mô hình làm ăn tiêu biểu của các tỉnh, trong đó có gia đình tôi cũng được đi học hỏi về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả nên dịch bệnh cũng hạn chế, nhờ vậy đã nâng cao thu nhập cho gia đình.
Những năm trước đây, gia đình anh Lò Văn Oai, bản Hoong Lếch Cang, xã Thanh Chăn (huyện Điện Biên) muốn đầu tư phát triển sản xuất nhưng lại không có vốn nên cuộc sống cũng khá bấp bênh. Từ khi Hội Nông dân hỗ trợ cho gia đình vay một phần vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, anh Oai đã đầu tư đào hơn 3.000m2 ao để thả cá kết hợp với nuôi gà và trồng bưởi, mỗi năm cho thu nhập hơn 300 triệu đồng. Trong quá trình phát triển kinh tế, gia đình anh Oai luôn có sự hỗ trợ, đồng hành của Hội Nông dân các cấp nên mới có được cơ ngơi như ngày hôm nay.

Mô hình trồng nấm của Hội viên nông dân huyện Điện Biên
Cùng với hỗ trợ vốn vay, kỹ thuật, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân cũng đẩy mạnh công tác dạy nghề cho hội viên. Đây là những bịch nấm rơm do chính tay các học viên lớp trồng và bảo quản, sơ chế nấm do Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh tổ chức ở xã Thanh Luông (huyện Điện Biên). Dưới sự hướng dẫn tận tình của các giảng viên, sau gần 1 tháng, chị Lò Thị Khánh, bản Pe Nọi, xã Thanh Luông (huyện Điện Biên) cùng với các học viên đã nắm bắt được kỹ thuật trồng, bảo quản nấm rơm và đã thực hành làm ra sản phẩm nấm cho riêng mình.
Chị Khánh tâm sự: Được sự quan tâm của Hội Nông dân tỉnh, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh, chúng tôi được tham gia lớp trồng và bảo quản, sơ chế nấm. Trong quá trình học, tôi và các học viên được giảng viên hướng dẫn từ khâu chọn rơm, ủ, đảo đống đến khi đóng bịch; đến nay chúng tôi đã tự tay tạo ra sản phẩm nấm.
Để tiếp sức cho hội viên nông dân mở rộng diện tích, tăng thu nhập, Hội Nông dân các cấp còn đặc biệt quan tâm giúp hội viên được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi. Đến 30/8/2020, Hội Nông dân các cấp đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện chương trình ủy thác vốn vay cho nông dân với tổng số tiền dư nợ trên 885,6 tỷ đồng cho 20.631 hộ vay. Triển khai và nhân rộng các dự án vay vốn Quỹ hỗ trợ nông dân và đã xây dựng 56 dự án cho 498 hộ vay để phát triển chăn nuôi, trồng trọt và nuôi trồng thủy sản với tổng số tiền hơn 19 tỷ đồng. Các cấp hội đã tập trung tuyên truyền, vận động hội viên tăng gia sản xuất, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá; phối hợp thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo nghề cho hội viên. Từ sự hỗ trợ, đồng hành của Hội Nông dân các cấp, các hội viên đã không ngừng đổi mới tư duy, phương thức sản xuất, hăng hái thi đua lao động sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Bà Cao Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Trong những năm qua, Hội Nông dân các cấp đã có những giải pháp hỗ trợ nông dân như: Hỗ trợ về chuyển giao khoa học kỹ thuật, đưa nông dân đi học tập kinh nghiệm tại một số tỉnh và hỗ trợ hội viên học nghề. Ngoài ra, chúng tôi còn hỗ trợ về vốn cho hội viên; qua đó giúp cho hơn 112.000 hội viên nông dân có việc làm…
Hội Nông dân các cấp luôn sát cánh cùng với nông dân đã tạo động lực lớn thúc đẩy công tác hội và phong trào nông dân phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đặc biệt là phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã thu hút được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo hội viên nông dân. Thông qua các phong trào này, nhiều hội viên đã nỗ lực vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, góp phần vào việc tạo ra những chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo của các địa phương trong tỉnh.
Phạm Quang – Trần Hà