Người dân xã Nà Tấu, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên có được cuộc sống khấm khá như ngày hôm nay phần lớn nhờ vào trồng cây dong giềng. Người có công đưa cây dong giềng về “bén duyên” với mảnh đất này lại là một thanh niên nổi tiếng “ăn chơi” - anh Lò Văn Pâng. Anh Pâng càng nổi tiếng hơn khi dám đứng ra cam kết bao tiêu sản phẩm cho bà con và sẵn sàng bù lỗ nếu cây dong giềng không đem lại hiệu quả kinh tế như cây ngô, lúa nương.
Anh Lò Văn Pâng, kiểm tra vườn cây mắc ca được đầu tư từ nguồn lãi do sản xuất dong giềng mấy năm vừa qua
Đưa cây lạ về trồng, cam kết bao tiêu sản phẩm: Trong ngôi nhà sàn thơm mùi gỗ, với những tiện nghi đắt tiền mà chỉ có những đại gia thành thị mới có, anh Lò Văn Pâng, kể lại “công cuộc” khai phá, đưa cây dong giềng về vùng đất Nà Tấu. “Sau nhiều năm đi tìm hiểu các vùng trồng dong giềng nổi tiếng như Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình... tôi thấy nhiều người làm giàu từ dong giềng trong khi đất của họ có hạn và không tốt bằng của mình. Còn dân mình vẫn nghèo dù quanh năm làm quần quật trên những mảnh nương rộng lớn” - anh Pâng chia sẻ những trăn trở của mình khi thấy bà con vẫn bữa no, bữa đói.
Cái tiếng ăn chơi của tôi mà mọi người hay nói chính là việc tôi hay đi các tỉnh học hỏi kinh nghiệm trồng dong giềng. Họ có biết mình đi học hỏi đâu, cứ thấy mình đi các tỉnh là nghĩ mình đi chơi” - anh Pâng tâm sự. Cách đưa cây dong giềng về trồng trên đất Nà Tấu của anh Pâng cũng khác: Qua tìm hiểu thấy các giống dong giềng tại các địa phương khác, năng suất, chất lượng tinh bột không cao, anh Pâng cất công sang Trung Quốc tìm hiểu và mua liền 5 tấn giống về hướng dẫn bà con trồng.
Việc anh Pâng đưa cây dong giềng về trồng ở thời điểm đó đã trở thành câu chuyện được nhiều người đưa ra tranh luận. Các cụ già thì nói: "Có khi thằng Pâng này hâm thật rồi, bao đời nay mảnh đất này có ai trồng cây này đâu ? Người dân chỉ sống nhờ vào lúa, ngô, bí đỏ thôi". Rồi khi anh đứng ra cam kết nhận bao tiêu sản phẩm, sẵn sàng bù lỗ nếu cây dong giềng không đem lại hiệu quả kinh tế như lúa, ngô thì mọi người đều nói "Thằng này hâm thật rồi".
.jpg)
Nhờ giống dong giềng mới, cho thu nhập cao nên nhiều hộ dân xã Nà Tấu, huyện Điện Biên thoát khỏi đói nghèo
“Phải tin vào chính mình, bao nhiêu thời gian, tiền bạc bỏ ra để tìm hiểu về loại cây này thì không thể nào thất bại được. Vợ tôi thấy tôi cương quyết nên cũng động viên, giúp tôi thêm niềm tin sẽ tìm ra cây xóa đói, giảm nghèo cho bà con” anh Pâng nói. Mùa dong giềng đầu tiên đã cho “quả ngọt” sau mấy tháng trồng, năng suất dong đạt 50 tấn/ha, với giá anh Pâng mua của bà con 2.000 đồng/kg, đúng như cam kết, đã cho thu nhập 100 triệu đồng/ha, cao gấp 4 lần so với trồng lúa.
Từ một vùng đất bà con quanh năm trồng lúa ngô mà vẫn đói, vẫn nghèo thì hôm nay hơn 500ha dong giềng nguyên liệu đã đem lại thu nhập cao cho người dân. Như mùa dong giềng năm 2016, với giá bán 4.000 đồng/kg, mỗi héc ta dong giềng, trừ chi phí bà con cũng thu lãi 120 triệu đồng/ha, cao hơn 8 lần so với trồng lúa.
Cụ Lò Văn Pánh (bản Tà Cáng 1, xã Nà Tấu) đã bước vào tuổi xưa nay hiếm, vỗ đùi cười, nói “Thằng Pâng thế mà giỏi, đưa cây dong giềng này về làm giàu cho dân bản. Nó (anh Pâng - pv) không trực tiếp trồng nhưng nhận bao tiêu sản phẩm, sát cánh cùng người dân, không năm nào cậu ấy để cho dân bản mất mùa”.
Thu nhập tiền tỷ từ dong giềng:
Khi thị trường rất ưa chuộng dong giềng Điện Biên, anh Pâng đã mạnh dạn ký cam kết với nhiều địa phương trong tỉnh để mở rộng diện tích dong giềng. Anh cũng quy hoach từng vùng nguyên liệu để đặt xưởng chế biến. Đến nay anh đã đặt 5 xưởng chế biến bột dong ở nhiều vùng nguyên liệu trong tỉnh. Mỗi xưởng có công suất sơ chế 200 tấn củ dong tươi mỗi ngày nên luôn đảm bảo tiến độ thu mua, chế biến trong kỳ thu hoạch.
.jpg)
Trung bình mỗi héc ta dong giềng cho thu nhập từ 140 - 200 triệu đồng/năm, trừ chi phí người nông dân thu lãi khoảng 120 triệu đồng/ha
“Thấy tôi làm được, nhiều gia đình ở Nà Tấu cũng đầu tư xưởng chế biến, khiến nguồn nguyên liệu khan hiếm. Tôi quyết định mở rộng vùng trồng dong đến các xã khác, đồng thời đầu tư nhà xưởng để chế biến” - anh Pâng chia sẻ.
Chỉ vào mấy chiếc ô tô tải để trong sân, anh Pâng bảo: “Ô tô để dùng vận chuyển dong đấy. Khi mùa dong đến, 3 chiếc xe tải này chạy cả ngày lẫn đêm mà vẫn không đủ để chuyển dong đâu. Vùng nguyên liệu ở xa, không muốn bà con mất công mang đến, mình có điều kiện đánh xe lên tận nương để thu mua thì bà con đỡ vất vả vận chuyển”.
.jpg)
Những nương dong giềng của bà con ở xa, được anh Pâng cho xe ô tô đến thu mua tại nương, người dân không mất công vận chuyển
Với 5 xưởng chế biến, trung bình mỗi vụ dong anh Pâng thu nhập trên 2 tỷ đồng từ việc bán bột dong. “Bột dong giềng Điện Biên ngon nổi tiếng, hàm lượng tinh bột cũng cao hơn, giá cũng cao. Nếu bán tinh bột đã có lãi thì sản xuất miến dong càng lãi hơn. Năm 2017 tôi quyết định mở xưởng chế biến miến dong tại địa phương, mang thương hiệu của Nà Tấu” anh Pâng tâm sự. Để ý tưởng đấy thành hiện thực, anh Pâng đã cho công nhân đi học cách chế biến miến dong tại các vùng trồng dong giềng, xây dựng thị trường để tiêu thụ.
Biến đồi hoang thành khu du lịch sinh thái
Khi cây dong giềng đã trở thành thế mạnh của xã, có nguồn thu ổn định cho các gia đình, anh Pâng lại nghĩ cách phát triển kinh tế “độc nhất” cho mình. Đứng trên đỉnh đèo Tẳng Quái, hướng tầm mắt về phía dưới anh Pâng chỉ cho chúng tôi thấy trang trại rộng hơn 50ha mà anh đã đầu tư 7 năm nay.
.jpg)
Trang trại rộng 50ha đang được anh Pâng quy hoạch thành khu du lịch sinh thái kết hợp trồng cây mắc ca
“12 năm thu nhập từ dong giềng được bao nhiêu tôi đầu tư hết vào trang trại này. Ý tưởng của tôi là biến vùng này thành khu du lịch sinh thái, cùng với trồng cây mắc ca. Có thể bây giờ mọi người lại nói tôi hâm, nhưng tôi tin mình sẽ thành công” - anh Pâng bảo thế.
Qua câu chuyện, chúng tôi như thấy được trong huyết quản anh đang chảy mạnh quyết tâm biến khu đỉnh đèo Tẳng Quái quanh năm gió hút này thành khu du lịch sinh thái có 1 không 2 của Điện Biên.
Với lợi thế chỉ cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ 30km, khí hậu mát mẻ quanh năm, đây là điểm đến lý tưởng cho khách đến thăm quan, nghỉ ngơi sau 1 tuần làm việc mệt nhọc. Khi đi vào khai thác, hi vọng điểm du lịch của anh Pâng sẽ là điểm đến thu hút được nhiều người, vì như tính toán của anh Pâng thì mọi dịch vụ ăn uống, vui chơi của khách sẽ được gia đình anh đáp ứng.
“Tôi sẽ làm đường đi vòng qua các quả núi, cứ cách 200m tôi sẽ làm một ngôi nhà nhỏ nhưng đầy đủ hệ thống điện, nước, giường nghỉ, bếp nấu ăn... Nếu gia đình nào ra đây nghỉ ngơi, muốn nấu ăn cũng được mà muốn đặt cơm tôi cũng phục vụ các món ăn dân tộc. Chỉ mất vài trăm nghìn mà cả nhà được một ngày nghỉ vui vẻ, hòa mình với thiên nhiên, từ trẻ con đến người già không còn cảm giác ngột ngạt ở đô thị” - anh Pâng chia sẻ ý tưởng làm du lịch sinh thái của mình. Khu du lịch sinh thái của anh đang hình thành với những con đường bê tông, chạy quanh đồi, những luống hoa Tam giác mạch, hàng cây hoa Anh đào, hoa Ban đã được trồng đợi ngày ra hoa.
Đưa cây tỷ đô vào đất cằn
Nói như ông Giàng A Chợ, Chủ tịch UBND xã Nà Tấu thì "không thể tưởng tượng được những suy nghĩ, cách làm của anh Pâng: Cả tỉnh không ai mạnh dạn đi đầu trong lĩnh vực nông nghiệp và du lịch sinh thái như thế. Khi nghe cậu ấy nói ý tưởng của mình, tôi đã khuyên cậu ấy tính toán thật kỹ khi trồng cây mắc ca với diện tích lớn, nhưng anh Pâng nói sẽ thắng lợi. Quả đúng như vậy, 20ha mắc ca trồng năm đầu tiên giờ đã ra nhiều quả bói” ông Chợ nói.
.jpg)
Cây Mắc ca của anh Pâng bắt đầu cho thu hoạch
Được biết: Để có vườn mắc ca xanh tốt như ngày hôm nay, anh Pâng đã cất công xuống Viện Cây nông nghiệp Việt Nam, nhờ các kỹ sư tư vấn cách trồng cây; mang mẫu đất xuống thuê các kỹ sư kiểm tra xem mẫu đất thiếu các loại vi khoáng, chất như thế nào để được tư vấn cách bón phân sao hiệu quả nhất, giúp cây mắc ca phát triển tốt, cho quả sai.Với cách suy nghĩ, cách làm riêng, mạnh dạn và khoa học, anh Pâng đã tạo được bước đột phá về kinh tế không chỉ cho riêng gia đình mà cho hàng nghìn hộ dân. Từ cách làm hay, hiệu quả, đến nay trung bình mỗi năm gia đình anh thu nhập trên 2 tỷ đồng. Anh Pâng trở thành một trong những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của Điện Biên.
Thanh Tùng - Báo Nông thôn ngày nay