Gia đình ông Đặng Văn Sỹ, thôn 7B, xã Pom Lót (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) với diện tích chỉ rộng gần 1.000m2 nhưng vườn thanh long ruột đỏ của gia đình ông chăm sóc năm nào cũng thu gần 5 tấn quả, lãi 200 triệu đồng.
Ông sỹ giới thiệu cách chăm sóc thanh long ruột đỏ
Ông Sỹ cho biết, trước đây vườn nhà ông chỉ trồng được rau và một số cây ăn quả nên hiệu quả kinh tế thấp. Sau khi người bà còn trong tỉnh Bình Thuận gửi cho 20 gốc thanh long ruột đỏ trồng thử. Ông Sỹ cùng vợ cải tạo khu vườn, thiết kế dựng trụ cho thanh long phát triển, bên dưới đất trống vợ ông tận dụng trồng kín rau xanh. Do đây là cây trồng mới nên ông Sỹ chịu khó lên mạng internet, tìm đọc sách báo và thường xuyên gọi điện thoại học hỏi kinh nghiệm từ người bà con trong Bình Thuận.
Nhờ sớm hôm tần tảo chăm sóc, năm đầu tiên thanh long ra hoa, đậu quả rất sai, quả nào quả nấy to bằng cái sọ dừa. Những trái thanh long đầu vụ, cả nhà ông Sỹ ngồi quây quần thưởng thức trong niềm vui vỡ òa vì mùi vị của quả vừa thơm ngon, ngọt lịm, màu sắc đỏ au lạ mắt. Thời điểm đó, khu vực xã Pom Lót và các xã lân cận chưa ai trồng nên thanh long ruột đỏ nhà ông Sỹ trở thành quả “hót” bán rất chạy, giá lại cao gấp đôi thanh long ruột trắng từ 15 đến 20.000đồng/kg.
Ông Sỹ nhớ lại, “cuối năm 2016, khi giá lợn hơi khủng hoảng mất giá, tôi lỗ gần 200 trăm triệu đồng. Giữa lúc chán nản vì cụt sạch vồn liếng làm ăn, thì may mắn được tiếp cận vốn vay 15 triệu đồng của Ngân hàng chính sách xã hội huyện Điện Biên, “như người chết đuối vớ được cọc” tôi sốc lại tinh thần, đầu tư cải tạo vườn tược và trồng thêm hơn 100 trụ thanh long ruột đỏ, trên diện tích gần 1.000m2. Lần này tôi quyết tâm làm thật bài bản để có hiệu quả nhất.” ông Sỹ tâm sự. Theo ông Sỹ tính toán, khoảng cách cứ 3m x 3m dựng trụ bằng bê tông cho thanh long leo. Qua tìm hiểu, ông Sỹ biết đây là giống cây xứ nóng khá phù hợp với điều kiện khí hậu của Điện Biên. Khi thời tiết càng khắc nghiệt, nắng nóng bao nhiêu thì thanh long lại phát triển tốt, đậu quả sai và to. Ở một số vùng khác thanh long ruột đỏ có thể cho quả quanh năm, nhưng ở Điện Biên chỉ có thể được thu quả từ tháng 4- tháng 11 hàng năm.
Về kỹ thuật và quy trình chăm sóc thanh long ruột đỏ, ông Sỹ bật mí: “Trước khi thanh long ra hoa khoảng 2 tháng, tôi tập trung bón phân và kali. Khi thanh long ra hoa lứa đầu tôi vặt bỏ hết để dinh dưỡng tập trung nuôi hoa lứa 2, cách này giúp cây vừa đạt được số lượng và chất lượng quả cao nhất. Trong một số giai đoạn, trái đang lớn, sắp thu hoạch hay thời tiết hanh khô, tôi chú ý cung cấp nước tưới thường xuyên. Lúc thời tiết chuyển mùa mưa, lượng nước dư thừa dễ làm thanh long mắc bệnh nấm và một số loại vi khuẩn gây bệnh phát sinh, khi đó tôi đào rãnh thoát nước, chống úng và bổ sung chất dinh dưỡng tái tạo bộ dễ cho cây.” – ông Sỹ tiết lộ.
Hai năm gần đây, cứ ăn tết Nguyên đán xong là vợ chồng ông Sỹ lại tập trung chăm sóc, thu hái và đi bán đổ thanh long cho các chợ. Với 120 gốc, mỗi năm vợ chồng ông thu được trên dưới 5 tấn quả, giá thời điểm đầu vụ và cuối vụ là cao nhất đạt 27.000 đồng/kg, thấp nhất là 20.000 đồng/kg, may mắn có lô xuất đi Hà Nội thì lãi giá cao 35.000 đồng/kg. Ông Sỹ cho biết, chi phí phân lân trồng thanh long ruột đỏ rất thấp, 1 năm chỉ tốn khoảng 13 triệu đồng, còn đâu lãi gần 200 triệu đồng.
Không giữ cách làm kinh tế hay cho bản thân, ông Sỹ còn sẵn sàng giúp đỡ bà con trong xã và các vùng lân cận đến học hỏi kinh nghiệm và xin giống thanh long ruột đỏ về trồng. Đến nay mô hình này đã được hàng chục hộ khác nhân rộng trồng và cho hiệu quả kinh tế khá./.
Ngọc Đức – Him Lam