Nông dân trẻ làm kinh tế giỏi
Theo đồng chí phó chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Yên, khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, nhưng nhờ biết nắm bắt thời cơ cùng với sức trẻ, dám nghĩ, dám làm, chị Ngô Thị Phượng, sinh năm 1984, đội 7 xã Thanh Yên huyện Điện Biên tỉnh Điện Biên đã gây dựng được một cơ ngơi khiến nhiều người mơ ước.
Page Content
Chị Phượng chăm sóc đàn vịt
Sinh ra trong một gia đình nông dân kinh tế khó khăn, ngay từ nhỏ chị đã cùng gia đình làm nông nghiệp. Sau khi tốt nghiệp cấp 3 năm 2002 chị xây dựng gia đình cùng anh Nguyễn Mạnh Dũng sinh năm 1980 là người cùng đội, 2 vợ chồng cùng nhau buôn bán, cấy trồng, nuôi vịt thả đồng, đến năm 2009 vợ chồng chị đã làm được nhà cửa khang trang, vốn là con nhà nông anh,chị đều yêu thích chăn nuôi. Với bản tính tháo vát, dám nghĩ dám làm năm 2014 chị cùng gia đình đã mạnh dạn mượn đất ruộng của bố mẹ chuyển đổi mục đích đào ao để thả cá, nuôi vịt, nuôi lợn với diện tích 5.000m2 với diện tích như vậy chị chia ra 2 ao, mỗi năm chị nuôi 2 vụ cá chính, mỗi vụ cho thu hoạch khoảng 4,5 tấn cá một vụ, thu nhập trừ chi phí mỗi năm chị thu về gần 100 triệu đồng lãi từ nuôi cá. Bên cạnh đó, chị còn phát triển nuôi 1000 vịt đẻ mỗi ngày cho thu hoạch từ 500 - 600 trứng vịt. Anh Trí chồng chị cũng là người chịu khó ham làm, ham học hỏi, ngoài việc chăn nuôi cùng chị anh còn tranh thủ thời gian đi làm thợ cơ khí, hàn xì mỗi tháng anh cũng có thu nhập từ 6 - 7 triệu đồng. Việc sản xuất, chăn nuôi phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, lúc thuận lợi, khi khó khăn nhưng sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình chị thu về khoảng từ 100-150 triệu đồng.

Mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp với chăn nuôi gia cầm của gia đình chị phượng
Ngoài việc cần cù chịu khó, dám dấn thân thì cần có kiến thức để phát triển sản xuất. chị Phượng là người rất chịu khó học hỏi, từ việc tham khảo các mô hình sản xuất, các kỹ thuật, giống mới từ địa phương, chị còn tích cực tìm tòi, tham khảo các thông tin trên sách báo, truyền hình và hệ thống thông tin đại chúng, vừa sản xuất vừa rút kinh nghiệm để chắt lọc kiến thức áp dụng vào thực tế sản xuất. chị Phượng còn áp dụng mô hình đệm lót sinh học trong chăn nuôi nên chuồng trại của chị luôn đảm bảo vệ sinh môi trường.
Trao đổi với chúng tôi, chị Phượng cho biết: “Mặc dù việc làm ăn đang theo hướng thuận lợi nhưng chị cũng còn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là thiếu vốn để phát triển mở rộng sản xuất”. Chị cũng chia sẻ những dự định sắp tới, trong đó chị đang cùng với các hộ có cùng điều kiện sản xuất ở trong thôn thành lập mô hình nhóm hộ để cùng nhau trao đổi kiến thức, kỹ năng phát triển nghề, tìm và mở rộng thị trường và để thuận lợi trong việc phát triển kinh tế.
Phó chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết để tạo điều kiện cho gia đình chị cũng như các hội viên trong chi hội có điều kiện để phát triển sản xuất Hội Nông dân xã đã khảo sát mô hình chăn nuôi của anh chị và đề nghị QHTND Hội Nông dân tỉnh cho anh chị vay vốn để mở rộng sản xuất.
Mô hình gia đình chị Phượng chưa phải là mô hình sản xuất, chăn nuôi nông nghiệp lớn nhưng có thể thấy đây là mô hình có nhiều triển vọng và khả năng phát triển bền vững. Tại xã Thanh yên hiện có trên 15 hộ gia đình có áp dụng mô hình này. Có thể nói đây cũng là hướng đi mới góp phần đem đến tương lai rộng mở, thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp, nông thôn ở những xã thuần nông như Thanh Yên .
Nguyễn Tuyết -HND