TỔNG QUAN VỀ ĐIỆN BIÊN
Điện Biên là một tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, có diện tích tự nhiên: 9.539,92 km2. Có tọa độ địa lý 20o54’ - 22o33’ vĩ độ Bắc và 102o10’ - 103o36’ kinh độ Đông. Vị trí cách Thủ đô Hà Nội gần 500 km về phía Tây, phía Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Sơn La, phía Bắc giáp tỉnh Lai Châu, phía Tây Bắc giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), phía Tây và Tây Nam giáp CHDCND Lào.
Điện Biên được mệnh danh là “địa đầu” của Tổ quốc, tỉnh duy nhất có chung đường biên giới với 2 quốc gia Lào và Trung Quốc hơn 455 km, trong đó: Đường biên giới tiếp giáp với Lào là 414,712 km; với Trung Quốc là 40,86 km; có nhiều cửa khẩu đường bộ như Tây Trang, Huổi Puốc - Na Son, A Pa Chải,…, tạo thành cửa ngõ phía Tây của vùng và của Việt Nam với các nước ASEAN. Điện Biên nằm ở không gian hợp tác Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS), vì vậy giữ vị trí quan trọng đặc biệt đối với vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ và của cả nước về nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hoá, chính trị, quốc phòng và an ninh.
Điện Biên có đường giao thông đi lại thuận lợi tới các tỉnh Bắc Lào và tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, là cửa ngõ phía Tây Bắc của du lịch vùng Trung du miền núi Bắc Bộ và du lịch Việt Nam. Điện Biên nằm trên các trục giao thông quan trọng về đường bộ theo hướng Đông - Tây (QL6, QL279); vòng cung Tây Bắc (QL6, QL12, QL4D, QL4H…).
Sân bay Điện Biên kết nối với hai trung tâm kinh tế lớn của cả nước là Hà Nội (gần 1 giờ bay) và thành phố Hồ Chí Minh (hơn 2 giờ bay). Ngoài ra tỉnh đang nâng cấp mở rộng sân bay Điện Biên phủ để kết nối đường bay đến các tỉnh trong nước và Quốc tế trong thời gian tới.
Về Du lịch, nhờ vị trí địa kinh tế chiến lược, du lịch Điện Biên nằm trên các hành lang du lịch quan trọng mang tầm quốc gia:
- Vòng cung phía Bắc: Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên - Lai Châu - Lào Cai - qua các tỉnh vùng Đông Bắc.
- Hành lang Đông - Tây, Dọc quốc lộ 279: Điện Biên - Lào Cai - Yên Bái - Tuyên Quang - Bắc Cạn - Thái Nguyên - Bắc Giang - Quảng Ninh.
- Hành lang trung tâm: Hà Nội - Điện Biên - Viêng Chăn (CHDCND Lào) dọc quốc lộ 6 và quốc lộ 279 (AH13).
- Hành lang Tây - Bắc: Phong Sa Lỳ, U Đôm Say - Luông Pha Băng (CHDCND Lào) - Điện Biên Phủ - Mường Chà - Mường Nhé - Vân Nam (Trung Quốc).
Đây cũng là khu vực có nhiều tiềm năng nổi bật về du lịch sinh thái, du lịch văn hoá, văn hóa - lịch sử và du lịch biên giới.

Điện Biên Tỉnh có 10 đơn vị hành chính cấp huyện với dân số trên 646 ngàn người, gồm thành phố Điện Biên Phủ; 1 thị xã (Mường Lay) và 8 huyện (Điện Biên, Điện Biên Đông, Tủa Chùa, Tuần Giáo, Mường Chà, Mường Ảng, Nậm Pồ, Mường Nhé), gồm 19 dân tộc cùng sinh sống; trong đó dân tộc Mông chiếm tỷ lệ khoảng 38,12%, dân tộc Thái 35,69%, dân tộc Kinh 17,38%, còn lại là các dân tộc khác.
Nguồn nhân lực của tỉnh Điện Biên khá dồi dào, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động chiếm gần 58% dân số. Lao động của Điện Biên có truyền thống cần cù, chịu khó, được quan tâm hỗ trợ phát triển, từng bước đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo chiếm hơn 62% tổng số lao động. Tỉnh có 4 trường cao đẳng (Sư phạm, Kinh tế - Kỹ thuật, Y tế, Nghề) với quy mô đào tạo trên 15.000 người.
ổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh GRDP 2023 đạt 14.912,29 tỷ đồng, tăng 7,10% so với năm 2022, GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) ước đạt 42,98 triệu đồng/người/năm, tăng 8,6% so với thực hiện năm 2022, đạt 93,67% kế hoạch.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch cơ bản theo đúng định hướng kế hoạch giai đoạn 2021-2025: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 15,6%, giảm 1,06%; công nghiệp - xây dựng chiếm 22,25%, tăng 0,97%; dịch vụ chiếm
Khu vực sản xuất nông lâm nghiệp được tái cơ cấu theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả với sự tham gia của các doanh nghiệp theo mô hình liên kết, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; đến nay đã có 54 sản phẩm được chứng nhận đạt chuẩn OCOP (trong đó, có 02 sản phẩm đạt 4 sao và 52 sản phẩm đạt 3 sao), tiêu biểu là lúa gạo đặc sản, cao su, cà phê, chè... từng bước tạo dựng được thương hiệu ở thị trường trong nước; Nhịp độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp được duy trì trên cơ sở khai có hiệu quả tiềm năng về sản xuất điện năng, vật liệu xây dựng và công nghiệp chế biến; Khu vực dịch vụ phát triển nhanh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt gần 20.000 tỷ đồng.
Điện Biên nổi tiếng với Di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt và có một số danh lam thắng cảnh được xếp hạng di tích quốc gia như: hang động Xá Nhè; Hang động Huổi Cang, Huổi Đáp; Hang động Thẳm Khến, … giai đoạn 2016-2020 đã đón trên 3 triệu lượt du khách, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 12%/năm.
Mạng thông tin di động và Internet đã phủ sóng đến 100% số xã trên địa bàn toàn tỉnh. Hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa phát triển ổn định, 100% số xã có đường ô tô đến tận trung tâm xã.
Hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn từng bước được khai thác, kim ngạch xuất khầu hàng hóa đạt gần 80 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu là trên 35 triệu USD.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội của tỉnh đạt gần 18.000 tỷ đồng trong đó đóng góp của khu vực ngoài Nhà nước trên 9.000 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước trên 12.000 tỷ/năm.
An ninh chính trị trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh được đảm bảo; nhân dân các dân tộc đoàn kết xây dựng tỉnh phát triển.